Bảo hộ pháp lý đối với cơ sở dữ liệu kinh nghiệm của Châu Âu và khuyến nghị cho Việt Nam

TS. NGUYỄN NHƯ HÀ (Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và;
LƯU HỒNG LÊ (Học viên cao học QH25, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội)TÓM TẮT:

Cốt lõi của nền kinh tế mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ sở dữ liệu (CSDL). Pháp luật Việt Nam hiện nay bảo hộ CSDL theo cơ chế quyền tác giả, tức chỉ bảo hộ hình thức thể hiện, chứ không bảo hộ nội dung của CSDL. Điều này gây ra nhiều bất cập đối với tác giả CSDL, ảnh hưởng tới sự đầu tư, phát triển CSDL cũng như các giá trị an ninh, kinh tế – xã hội của nguồn dữ liệu quốc gia bởi giá trị thực sự của CSDL chính là các nội dung bên trong của chúng. Bài viết tham khảo kinh nghiệm bảo hộ CSDL của châu Âu và đưa ra đề xuất, khuyến nghị cho Việt Nam.

Từ khóa: bảo hộ cơ sở dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ; quyền tác giả, quyền Sui Generis.
1. Dẫn nhập
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và kinh tế trên toàn thế giới khi tích hợp sự phát triển công nghệ thông tin với các lĩnh vực vật lý, kĩ thuật số và y học. Trong đó, “dữ liệu” chính là nguyên liệu của các công nghệ kỹ thuật số: Trí tuệ nhân tạo – Artificial Intelligence (AI), Internet kết nối vạn vật – Internet of Things (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data). Khai thác và sử dụng dữ liệu, cơ sở dữ liệu hiệu quả có thể tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí, sức lao động và nâng cao chất lượng công việc, tạo ra những thành tựu to lớn đối với sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội, khoa học kỹ thuật.

Tương tự chương trình máy tính, CSDL có những tính chất riêng, đặc thù, bởi khi tác giả đầu tư trí tuệ thu thập, sắp xếp sáng tạo các dữ liệu, thông tin để tạo ra các CSDL, nội dung của chúng nhất thiết phải được pháp luật quan tâm bảo vệ do khả năng tiếp cận dễ dàng và khai thác các thông tin chứa đựng trong đó những giá trị kinh tế – xã hội to lớn. Tác giả của CSDL đương nhiên phải được bảo hộ bản quyền, tuy nhiên cơ chế bảo hộ quyền tác giả đối với CSDL chỉ có thể bảo hộ hình thức thể hiện của các CSDL mà không thể bảo hộ được giá trị nội dung hết sức quan trọng bên trong các CSDL. Với cơ chế bảo hộ này, các quốc gia trên thế giới có thể thông qua nhiều hình thức chẳng hạn như sử dụng các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter,… để thu thập “dữ liệu”, CSDL của các quốc gia và sử dụng vào các mục đích khác nhau gây ra những hệ lụy hết sức nghiêm trọng. Nếu không quan tâm xây dựng cơ chế pháp lý bảo hộ phù hợp thì tài nguyên CSDL của Việt Nam sẽ bị quốc tế khai thác triệt để, đồng thời không thể bảo vệ được quyền lợi của các tác giả CSDL, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sáng tạo và sự đầu tư tạo ra CSDL.

Bảo hộ pháp lý đối với các CSDL là vấn đề vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải được nhìn nhận, nghiên cứu ở nhiều khía cạnh để có thể đưa ra những giải pháp bảo hộ tối ưu và phù hợp nhất. Bài viết trình bày các quy định pháp lý quốc tế hiện đang được sử dụng để bảo hộ pháp lý đối với CSDL, nghiên cứu cụ thể cách làm của châu Âu và từ đó đề xuất phương án tối ưu cho việc bảo hộ nguồn tài nguyên CSDL quý giá của Việt Nam, bảo vệ các tác giả, chủ sở hữu CSDL.

2. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với cơ sở dữ liệu
Trên thế giới hiện nay có 3 văn bản pháp lý quốc tế quan trọng chứa đựng các quy định liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả đối với CSDL, với tư cách là tác phẩm “sưu tập dữ liệu” bao gồm: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (sửa đổi năm 1971), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994 và Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) năm 1996. Pháp luật Việt Nam tuân theo pháp luật quốc tế cũng bảo hộ CSDL dưới dạng “sưu tập dữ liệu” là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14(1) và Điều 22(2) của Luật SHTT năm 2005.

2.1. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật
Việc bảo hộ CSDL với tư cách là “sưu tập dữ liệu” lần đầu tiên được quy định tại Khoản 5 Điều 2 Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật: “Các tuyển tập, các tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật, ví dụ như bộ Bách khoa từ điển và các hợp tuyển mà việc tuyển chọn hoặc sắp xếp nội dung là thành quả của hoạt động trí tuệ, đều phải được bảo hộ như nó vốn có, miễn không phương hại quyền tác giả của các tác phẩm tạo nên các tuyển tập này”[1].

Công ước Berne quy định 3 nguyên tắc là nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc bảo hộ đương nhiên và nguyên tắc độc lập bảo hộ để điều chỉnh lợi ích của các quốc gia thành viên. Thời hạn bảo hộ theo Công ước này sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả qua đời. Hiện có 177/193 quốc gia trên thế giới (bao gồm Việt Nam) đã lựa chọn mô hình Luật Sở hữu trí tuệ theo những tiêu chuẩn tối thiểu được quy định trong Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học và công nhận bảo hộ CSDL bằng cơ chế quyền tác giả (Copyright).

2.2. Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ
Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 đã kế thừa Công ước Berne, bổ sung thêm Điều 10 quy định về việc bảo hộ đối với CSDL như sau: “Các sưu tập dữ liệu hoặc tư liệu khác, dù dưới dạng đọc được bằng máy hay dưới dạng khác, mà việc tuyển chọn hoặc sắp xếp nội dung là thành quả của hoạt động trí tuệ đều phải được bảo hộ như nó vốn có. Việc bảo hộ nói trên, với phạm vi không bao hàm chính các dữ liệu hoặc tư liệu đó, không được làm ảnh hưởng tới bản quyền đang tồn tại đối với chính dữ liệu hoặc tư liệu đó”[2]. Theo TRIPS, các điều khoản đã bổ sung thêm quy định về các dạng vật chất có thể biểu hiện được “sưu tập dữ liệu” như “… dưới dạng đọc được bằng máy hay dưới dạng khác”…

2.3. Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả
Hiệp ước về quyền tác giả của WIPO (WCT) được thông qua tại Geneva năm 1996 gồm 25 điều quy định những nội dung chính về quyền tác giả, phạm vi bảo hộ quyền tác giả; các quyền của chủ sở hữu quyền tác giả như quyền cho thuê, quyền phân phối, quyền truyền đạt tới công chúng, quy định về thực thi quyền.

Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (1996) với các tuyên bố đã được thông qua của hội nghị ngoại giao thông qua hiệp ước và các quy định của Công ước Berne (1971) được dẫn chiếu trong hiệp ước đã quy định về bảo hộ CSDL tại Điều 5 như sau: “Các dữ liệu hoặc tư liệu khác được sưu tập dưới bất kỳ hình thức nào, mà tạo nên những sáng tạo trí tuệ, thì được bảo hộ. Sự bảo hộ này không dành cho chính bản thân dữ liệu hoặc tư liệu đó và không làm phương hại đến bất kỳ quyền tác giả nào đang tồn tại đối với dữ liệu hoặc tư liệu trong sưu tập đó”[3]. Điều khoản này phù hợp với những điều khoản tương ứng về bảo hộ CSDL của Công ước Berne và Hiệp định TRIPS.

Thực tế cho thấy, CSDL thường là sự kết hợp của dữ liệu có tính nguyên gốc và dữ liệu không có tính nguyên gốc. Các quy định của Công ước Berne, Hiệp định TRIPS và Hiệp ước WIPO đều không có điều khoản cụ thể về việc bảo hộ đối với CSDL không có tính nguyên gốc. Đồng thời, dựa trên quy định về sự bảo hộ CSDL bằng quyền tác giả của các văn bản pháp lý nêu trên, sự sáng tạo của “sưu tập dữ liệu” được ghi nhận chỉ bằng sự “tuyển chọn” và “sắp xếp”. Điều này tạo nên một lỗ hổng to lớn, bởi lẽ cùng với một lượng thông tin, dữ liệu sẽ có vô số cách sắp xếp theo các tiêu chí khác nhau tùy thuộc vào tác giả và có thể tạo ra vô số CSDL một cách dễ dàng. Việc đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc, kỹ thuật để thu thập, tuyển chọn các dữ liệu, thông tin nhằm tạo nên các CSDL mới thực sự là giá trị cần phải bảo hộ. Một người có thể lấy CSDL của một tác giả khác và thay đổi, sắp xếp lại các dữ liệu, thông tin đó rồi tạo ra nhiều CSDL phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau mà vẫn không bị coi là vi phạm pháp luật. Trong thời đại cách mạng 4.0, với tốc độ phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ thì việc thu thập, sử dụng trái phép các “sưu tập dữ liệu” theo như cách trên đã trở nên vô cùng phổ biến và đòi hỏi cấp thiết cần có cơ chế bảo hộ pháp lý hữu hiệu đối với CSDL.

2.4. Bảo hộ cơ sở dữ liệu theo pháp luật Việt Nam
Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 và là thành viên của Công ước Berne từ năm 2004. Tuân theo các điều ước quốc tế, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005[4] xác định đối tượng bảo hộ CSDL quy định tại Khoản 1 Điều 14 và Khoản 2 Điều 22 như sau: “Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm: Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu” và “Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo – thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác. Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó”.

Như vậy, cơ chế bảo hộ CSDL ở Việt Nam được áp dụng tương tự như các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học khác, cụ thể là: quyền nhân thân đối với tác giả của CSDL được bảo hộ vô thời hạn; quyền tài sản đối với CSDL được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả qua đời[5].

Nói cách khác, pháp luật Việt Nam bảo hộ CSDL theo cơ chế quyền tác giả, tức chỉ bảo vệ hình thức chứ không bảo vệ nội dung của CSDL. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển vô cùng nhanh chóng và đa dạng các CSDL không có tính nguyên gốc dẫn đến phát sinh các tranh chấp về quyền tác giả nói chung và CSDL nói riêng sẽ tạo ra các hệ quả pháp lý vô cùng phức tạp đòi hỏi phải có thêm quy định đặc thù để giải quyết các vấn đề của tác giả/chủ sở hữu CSDL. CSDL không chỉ được bảo hộ về mặt hình thức mà các nội dung cấu tạo lên nó cũng phải được pháp luật bảo hộ một cách thích đáng.

3. Bảo hộ cơ sở dữ liệu ở châu Âu
Đứng trước nhu cầu cấp thiết cần phải bảo hộ các CSDL không có tính nguyên gốc và bảo hộ công sức tạo ra các CSDL, Liên minh Châu Âu (EU) đã có những quy định tiên lượng trước được các vấn đề trên nhằm thống nhất chung phương pháp bảo hộ CSDL cho các nước thuộc EU từ những năm 90 phù hợp với tình hình phát triển công nghệ thông tin toàn cầu bằng việc ban hành Chỉ thị số 96/9/EC ngày 11/3/1996 về việc bảo hộ pháp lý đối với cơ sở dữ liệu.

3.1. Chỉ thị 96/9/EC về bảo hộ pháp lý đối với cơ sở dữ liệu
Chỉ thị 96/9/EC được quy định nhằm bảo hộ CSDL theo hai cấp: Cấp độ đầu tiên chính là bảo hộ bằng quyền tác giả, theo đó, CSDL được bảo hộ tổng thể với tư cách là “sưu tập dữ liệu” với các quy định và điều khoản dựa trên Công ước Berne. Những CSDL được bảo vệ theo quyền tác giả là những CSDL đáp ứng được tiêu chí về sự sưu tầm sắp xếp nội dung biểu hiện sự sáng tạo trí tuệ của tác giả. Ở cấp độ thứ hai, chỉ thị 96/9/EC cung cấp một quyền đặc biệt có tên là “Sui Generis”[6] hay “Database right” (Quyền cơ sở dữ liệu) – một hình thức bảo vệ được phát triển dành riêng cho việc bảo vệ nội dung bên trong, bảo hộ sự đầu tư về nhân lực, kỹ thuật và năng lượng để tạo ra các CSDL.

Theo các nhà lập pháp EU, quyền tác giả không phải lúc nào cũng hiệu quả nên cần phải tìm ra giải pháp nhằm tìm kiếm sự bảo vệ thông qua quyền tác giả trong tình huống CSDL chứa các dữ liệu không được bảo vệ bởi quyền tác giả[7]. Sự bảo vệ đặc biệt này là dành cho “việc đầu tư đáng kể vào việc thu thập, xác minh và trình bày nội dung” của CSDL[8]. CSDL được định nghĩa trong Chỉ thị 96/9/CE là “một tập hợp các tác phẩm độc lập, dữ liệu hoặc các tài liệu khác được sắp xếp theo một cách có hệ thống hoặc có phương pháp và có thể truy cập riêng lẻ bằng phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác”[9]. Đây là một định nghĩa rộng có thể bao gồm cả danh sách gửi thư truyền thống và danh sách khách hàng cũng như danh bạ điện thoại, bách khoa toàn thư và danh mục thẻ, dữ liệu sự kiện thể thao trực tiếp[10]… cho dù được lưu trữ dưới dạng điện tử hay ở dạng giấy. CSDL có thể được bảo vệ bởi quyền tác giả nếu việc lựa chọn hoặc sắp xếp nội dung của chúng đáp ứng tiêu chuẩn nguyên bản. Sui Generis sẽ được áp dụng độc lập với Quyền tác giả, tiêu chí để áp dụng “Sui Generis” là “đầu tư đáng kể vào việc thu thập, xác minh hoặc trình bày nội dung (substantial investment in either the obtaining, verification or presentation of the contents)[11].

3.2. Nội dung của Quyền Sui Generis
Sui Generis hay Database Right (Quyền cơ sở dữ liệu) chính là một trong những quyền liên quan đến quyền tác giả dành cho những chủ thể ngoài các tác giả như người biểu diễn (nhạc sĩ, diễn viên) và nhà sản xuất (bản ghi âm, ghi hình, phim, chương trình phát sóng) và quyền liên quan này ít khi hài hòa với quyền tác giả. Trong một số trường hợp pháp lý cụ thể, các quyền này có thể có tác động đáng kể đến các hoạt động nghiên cứu, ví dụ như bảo vệ các phiên bản khoa học và phê bình của các tác phẩm thuộc phạm vi công cộng hoặc những bức ảnh không có nguồn gốc (những bức ảnh được chụp vệ tinh). Quyền Sui Generis không giống như hầu hết các quyền liên quan đến quyền tác giả khác mà hài hòa với pháp luật trên toàn EU[12].

Quyền Sui Generis (hay Database right) thuộc về người tạo ra CSDL, được xác định là người (tự nhiên hoặc hợp pháp) chịu rủi ro đầu tư sáng tạo ra những CSDL. Người tạo ra CSDL được định nghĩa là người “thu thập, xác minh hoặc trình bày nội dung của cơ sở dữ liệu và chịu rủi ro đầu tư vào việc thu thập, xác minh hoặc trình bày” đó và người đó là chủ sở hữu đầu tiên của cơ sở dữ liệu[13]. Định nghĩa này trái ngược với khái niệm về chủ sở hữu về quyền tác giả: nếu cơ sở dữ liệu được tạo bởi một nhân viên trong quá trình làm việc của mình, người sử dụng lao động sẽ được coi là người tạo ra và do đó, nếu một CSDL được tạo ra trong quá trình sử dụng lao động, quyền sẽ thuộc về người sử dụng lao động chứ không phải của người lao động[14].

Thời hạn bảo hộ quyền “Sui Generis” dành cho CSDL là 15 năm. Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi đáng kể nào, được đánh giá có thể là định tính hoặc định lượng đối với nội dung của CSDL, bao gồm mọi thay đổi đáng kể do tích lũy các bổ sung, xóa hoặc thay đổi liên tiếp dẫn đến CSDL được coi là một khoản đầu tư mới đáng kể thì CSDL đó sẽ được coi là CSDL mới và tiếp tục được bảo hộ 15 năm[15]. Như vậy, về mặt lý thuyết, CSDL có khả năng được bảo hộ mãi mãi nếu nhà đầu tư tiếp tục đầu tư đổi mới cho nó mỗi 15 năm một lần mang lại ý nghĩa tích cực trong việc bảo hộ CSDL và tạo nền tảng khuyến khích sự đầu tư sáng tạo cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của CSDL.

4. Đề xuất, kiến nghị
Kể từ khi được ban hành, Chỉ thị 96/9 về bảo hộ cơ sở dữ liệu của EU năm 1996, với quy định về quyền Sui Generis đã tạo ra một cơ chế pháp lý bảo hộ hiệu quả đối với CSDL trong khi Việt Nam chúng ta hiện nay đang thiếu một cơ chế hữu hiệu để bảo hộ CSDL, đảm bảo các quyền và lợi ích thuộc về những tác giả, chủ sở hữu của CSDL không bị xâm phạm đồng thời ngăn chặn những dữ liệu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội, các dữ liệu cá nhân bị thu thập, xử lý và sử dụng vào nhiều mục đích (chủ yếu là mục đích kinh tế) một cách trái phép.

Vì vậy, bên cạnh những quy định về quyền tác giả bảo vệ CSDL theo Công ước Berne năm 1971, Việt Nam nên bổ sung quyền Sui Generis song song với quyền tác giả nhằm bảo vệ sự đầu tư đáng kể vào việc thu thập, xác minh hoặc trình bày nội dung dành cho việc tạo ra các CSDL: những đầu tư đó bao gồm “bất kỳ khoản đầu tư nào, cho dù là nguồn lực tài chính, nhân lực hoặc kỹ thuật”. Quyền Sui Generis hay Database Right (Quyền cơ sở dữ liệu) thuộc về người tạo ra CSDL, được xác định là người (tự nhiên hoặc hợp pháp) chịu rủi ro đầu tư. Theo khuyến nghị này, một CSDL có thể được bảo vệ tối đa bởi ba lớp: Thứ nhất, tổng thể CSDL được bảo vệ với tư cách là “sưu tập dữ liệu” bởi quyền tác giả; Thứ hai, một phần dữ liệu, hoặc toàn bộ dữ liệu được lưu trữ trong CSDL nếu là một đối tượng đáp ứng đủ các tiêu chí bảo hộ theo quyền tác giả (đó có thể là bài văn, bài thơ, bài viết, tranh ảnh,… được bảo hộ như một tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm văn học,…) sẽ được bảo hộ dưới quyền tác giả; Thứ ba, những đầu tư cần thiết để tạo ra CSDL được bảo hộ bởi quyền Sui Generis.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Điều 2 (5), Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật (bản sửa đổi năm 1971).

[2] Điều 10 (2), Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ năm 1994.

[3] Điều 5, Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (1996).

[4] Luật số 36/2009/QH12 của Quốc hội Việt Nam, thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009, để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005. Luật này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2010.

[5] Xem Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

[6] “Sui Generis” là từ trong tiếng Latinh, dịch sang tiếng Anh có thể hiểu là “của riêng nó” (of its own kind) hoặc “độc đáo” (unique);

[7] Ví dụ như Danh mục điện thoại, Niên giám thống kê…

[8] (40) – Directive 96/9/EC of 11 March 1996 on the legal protection of databases.

[9] (13) – Directive 96/9/EC of 11 March 1996 on the legal protection of databases: “Whereas this Directive protects collections, sometimes called ‘compilations’, of works, data or other materials which are arranged, stored and accessed by means which include electronic, electromagnetic or electro-optical processes or analogous processes”.

[10] Ví dụ trong một trận thi đấu bóng đá ai là cầu thủ ghi bàn, vào phút nào…

[11] (7) – Directive 96/9/EC of 11 March 1996 on the legal protection of databases: “Whereas the making of databases requires the investment of considerable human, technical and financial resources while such databases can be copied or accessed at a fraction of the cost needed to design them independently”.

[12] Clarin website, Related rights and databases,

(https://www.clarin.eu/content/clic-related-rights-and-databases), (truy cập ngày 19/8/2020).

[13] 7(1) – Directive 96/9/EC of 11 March 1996 on the legal protection of databases: “Member States shall provide for a right for the maker of a database which shows that there has been qualitatively and/or quantitatively a substantial investment in either the obtaining, verification or presentation of the contents to prevent extraction and/or re-utilization of the whole or of a substantial part, evaluated qualitatively and/or quantitatively, of the contents of that database.

[14] Trên thực tế đầu tư có thể được thực hiện bởi một số đơn vị (như các tổ chức nghiên cứu tham gia vào một dự án nghiên cứu). Trong trường hợp như vậy, các nhà lập pháp giả định rằng quyền đó thuộc về tất cả các nhà đầu tư và lợi ích phải được chia theo tỷ lệ với khoản đầu tư của họ, trừ khi hợp đồng giữa các nhà đầu tư quy định khác.

[15] 10 – Directive 96/9/EC of 11 March 1996 on the legal protection of databases.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Ayan Brahmachary. (2018). DIKW Model: Explaining the DIKW Pyramid or DIKW Hierarchy, Retrieved from: https://www.certguidance.com/explaining-dikw-hierarchy/
Dinesh Thakur. What do you understand by Information? What are the Characteristics of Information, Retrieved from: http://ecomputernotes.com/mis/what-is-mis/what-do-you-understand-by-information-what-are-the-characteristics-of-information
Martin (2015), A Complete Guide to Data Security. Cleverism (30/04/2015), retrieved from: https://www.cleverism.com/complete-guide-data-security/?fbclid=IwAR0Mz-kmHPqPqPbe_ju6HLoIu2RV7AlDBQbSrt6UDlgxbUavPMi4O92M_1s
Jonathan Band and Jonathan S. Gowdy. (1997). Sui Generis Database Protection Has Its Time Come? D-Lib Magazine.
Clarin website, Related rights and databases: https://www.clarin.eu/content/clic-related-rights-and-databases
Digital Single Market, (2017), Summary report of the public consultation on the evaluation of Directive 96/9/EC on the legal protection of databases, EU.
Directive 96/9/EC of 11 March 1996 on the legal protection of databases.
Directive 95/46/EC of 24 October 1995 on the protection of individuals with regard to the processing of personal data and on the free movement of such data.
European Parliamentary Research Service. (2018). Copyright Law in EU. Beigium: European Parliamentary Research Service.
Principles of the trading system Retrieved from: https://www.wto.org/english/theWTO_e/whatis_e/tif_e/fact2_e.htm#national;
Nguyễn Thị Quế Anh (2018), Điều chỉnh pháp lý đối với mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 – Nhận diện một số nhu cầu và giải pháp, Sách chuyên khảo cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.
Nguyễn Thành Độ, Nguyễn Ngọc Điệp, Trần Phương Hiền (2012), Giáo trình Quản trị văn phòng, Nxb Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Nguyễn Thị Thu Hà (2017), Dữ liệu được bảo vệ như thế nào, Ấn phẩm Sở hữu trí tuệ của Báo Khoa học phát triển ngày nay (04/05/2017).
Nguyễn Như Hà, Bảo hộ dữ liệu lớn, Vietnam Program for internet & society: http://vpis.edu.vn/bao-ho-du-lieu-lon
Nguyễn Công Hoan (2015), Tổng quan về dữ liệu lớn (Big Data), Kỷ yếu hội thảo khoa học “Thống kê nhà nước với dữ liệu lớn”, http://vienthongke.vn/attachments/article/2290/Bai4.So5.2016.pdf
Tuấn Hưng (2018), Google sở hữu dữ liệu người dùng nhiều hơn cả Facebook, Báo Vnexpress ngày 23/04/2018: https://vnexpress.net/so-hoa/google-so-huu-du-lieu-nguoi-dung-nhieu-hon-ca-facebook-3740373.html
Minh Khoa (2018), Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?, Báo Chất lượng Việt Nam (2/10/2018): http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-la-gi-4319
Bảo Nam, (2019), SmartTV giá rẻ thu thập và bán dữ liệu người dùng, Báo Vnexpress thứ năm ngày 25/04/2019: https://vnexpress.net/so-hoa/smarttv-gia-re-thu-thap-va-ban-du-lieu-nguoi-dung-3914898.html
Hoài Nam (2016), Internet và World Wide Web có giống nhau?, ICT News: https://ictnews.vn/internet/internet-va-world-wide-web-co-giong-nhau-146222.ict
Đoàn Phan Tân (2001), Về khái niệm thông tin và các thuộc tính làm nên thông tin, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, số 3 – 2001.
Phùng Trung Tập (2004), Các yếu tố của quyền sở hữu trí tuệ, Nxb Tư pháp.
Tất Thành (2018), WWW là gì? Định nghĩa và những điều cần biết, Công ty Tất Thành: https://tatthanh.com.vn/www-la-gi.htm;
Nguyễn Bích Thảo (2018), Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam (Chủ biên: Nguyễn Thị Quế Anh – Ngô Huy Cương), Nxb Chính trị Quốc gia sự thật.
Phan Văn (2000), Giáo trình Thông tin học, Nxb ĐHQG Hà Nội.
Appier Vietnam, (2018), Vai trò của AI trong việc mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, Brands Vietnam.
Khoa Công nghệ thông tin – Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Các khái niệm cơ bản về hệ cơ sở dữ liệu, Đề cương bài giảng: Lý thuyết về Cơ sở dữ liệu, Thư viện học liệu mở Việt Nam (voer.edu.com): https://voer.edu.vn/c/de-cuong-bai-giang-ly-thuyet-co-so-du-lieu/725a560a
Cục Bản quyền tác giả, Tổng hợp số liệu đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (kèm theo báo cáo từ ngày 01/01/2006 đến ngày 08/06/2017).
Cục Bản quyền tác giả, (2008), Công ước Berne hài hòa lợi ích bản quyền toàn cầu: http://www.cov.gov.vn/cbq/index.php?option=com_content&view=article&id=867&catid=51&Itemid=107
Wipo. (4/2019), Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works – Status April 4, 2019, retrieved from:
https://www.wipo.int/export/sites/www/treaties/en/documents/pdf/berne.pdf

Trường Đại học Luật Hà Nội, (2018), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nxb Công an Nhân dân.
Quốc hội (2005), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
Cục Bản quyền tác giả văn học-nghệ thuật, Bộ VHTT (1971), Công ước Bern năm 1971 về việc bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Chính phủ các nước (1994), Hiệp định TRIPS năm 1994 về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (1996), Hiệp ước Wipo về Quyền tác giả năm 1996.

Nguồn:https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/bao-ho-phap-ly-doi-voi-co-so-du-lieu-kinh-nghiem-cua-chau-au-va-khuyen-nghi-cho-viet-nam-78528.htm