Sự kiện một công ty con của tập đoàn THM rút lui khỏi thoả thuận đấu giá thành với Trung tâm đấu giá tài sản nhà nước TPHCM vừa qua được ghi nhận là tạo ra sự rúng động trong dư luận, thị trường BĐS, thậm chí còn đặt ra rất nhiều vấn đề về pháp lý đối với tính hiệu quả của quy trình bán đấu giá tài sản tại Việt Nam. Để làm rõ hơn những nội dung trả lời đối với VTC now – xin nêu thêm một số ý kiến như sau:
Trước hết, phải thừa nhận rằng việc trúng đấu giá rồi vi phạm nghĩa vụ trúng đấu giá của bên mua, nghĩa là bỏ thoả thuận mua bán, chấp nhận mất tiền đặt cọc là một hiện tượng phổ biến trong giao dịch bất động sản. Theo góc nhìn thông thường, đây là một giao dịch (đấu giá) – có tính chất “thuận mua vừa bán” nên về nguyên tắc, các bên tham gia đều hiểu được một cách cặn kẽ về quyền và nghĩa vụ của họ đối với bên đối ứng trong giao dịch, và hiểu được hệ quả pháp lý của mỗi hành vi diễn ra trước, trong, và sau khi thực hiện thành công phiên đấu giá.
Có một khía cạnh chúng ta nên hiều trong tình huống này là, giao dịch đấu giá thành công vừa rồi có một bên là đại diện cho nhà nước – Trung tâm đấu giá tài sản nhà nước TPHCM. Có lẽ do quan hệ này nên sự việc có sự liên quan đến quy trình quản trị, sử dụng công sản. Chính vì thế, tác động của vụ việc đặt ra đối với chính sách, hành lang pháp lý cũng được quan tâm hơn hết.
Tuy nhiên, như đã nói ở góc độ một giao dịch, thì khó mà kết luận được về sự bất thường, về sai phạm hay một điều gì đó thậm nghiêm trọng. Nói cách khác, quan điểm về sự bất thường mà dư luận hay một số chuyên gia đặt ra có phần vội vàng. Một người có hàng hoá muốn bán. Nhiều người có nhu cầu, có tiền và đều muốn mua được món hàng hoá đó dẫn đến việc người bán sẽ bán cho người nào muốn mua nhất và trả giá cao nhất. Và mức giá 2,4 tỷ/m2 đó là mức giá mà không ai trả hơn, được chốt. Do vậy, hàng hoá phải được bán.
Nhưng phản ứng của dư luận nói chung là gì? Sốc? Hoài nghi? Thậm chí ông bộ trưởng tài chính còn đặt ra nghi vấn về sự bất thường đối với mức giá này; và phía ngân hàng trung ương nghe đâu còn có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét khi tài trợ vốn cho dự án này. Đây là một thực tiễn rất đáng suy nghĩ, theo hướng cản trở các quy luật của thị trường. Tất nhiên, điều này không có nghĩa sẽ loại trừ yếu tố “bất thường” mà chúng ta đều mờ mờ nhìn thấy.
Thứ nhất, trên thực tế rất khó và đến nay cũng chưa có cơ quan nào đưa ra kết luận chính xác về việc mỗi m2 đất được thống nhất bán ra với mức giá đó là sai luật. Đấu giá là một hoạt động đặc thù, người ta có thể chốt giá sàn chứ không ai chốt giá trần đấu gía cả. Luật đấu giá nói riêng, luật Dân sự với nguyên tắc tự do thoả thuận đều không có quy định nào ràng buộc điều này. Vậy nên nếu xét về khía cạnh quyền của người trúng đấu giá, pháp luật phải bảo vệ, và mọi sự nghi ngờ đều là bất hợp lý, thậm chí là không hợp pháp vì đó chỉ là nghi ngờ vì trước đó chưa từng có những mức giá như vậy. Điều này đặc biệt không nên xuất phát từ một bộ trưởng và cũng là một Dân biểu quốc hội.
Thứ hai, việc ngân hàng trung ương có văn bản can thiệp buộc các ngân hàng thương mại không tài trợ vốn cũng là một hành vi phi thị trường, bởi lẽ sự can thiệp này không có cơ sở pháp lý nào cụ thể cả. Nếu ở một đất nước có pháp luật thượng tôn thì không ai can thiệp như vậy. Hành vi can thiệp này có thể bị doanh nghiệp tố cáo.
Tuy nhiên, ngược lại, cũng cho thấy những vấn đề còn chưa chuẩn mực, thiếu chặt chẽ trong quy trình đấu giá mà việc khắc phục nó trước mắt hoặc trung hạn cũng có thể khiến cho hành vi bỏ cọc không được tái diễn như vậy.
Thứ nhất, cần có những thiết chế dân sự giám sát hoạt động của các doanh nghiệp tham gia đấu giá và họ có quyền đánh giá, chấm điểm doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không vì lý do bất khả kháng mà tuỳ tiện bỏ cọc, có thể xem xét dựa trên đánh giá đó để thiếp lập hàng rào kỹ thuật ngăn cản doanh nghiệp vi phạm tham gia các hoạt động tương tự trong trung hạn hoặc vĩnh viễn. Tiêu chí đánh giá này cũng nên được luật hoá.
Thứ hai, hoạt động kiểm soát các tiêu chuẩn thực hiện đấu giá cần bổ sung thêm tiêu chí đảm bảo về tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá. Nếu hồ sơ đấu giá của doanh nghiệp mà không đủ số liệu đáng tin cậy về năng lực tài chính thì tuyệt đối không được tham dự. Điều này sẽ hạn chế được vấn đề nhức nhối hơn là nhiều doanh nghiệp kém năng lực, hoặc dạng doanh nghiệp sân sau tham gia đấu giá theo kiểu “tay không bắt giặc”; một mặt họ tham gia để làm loạn giá, mặt khác có thể sau khi trúng đấu giá mới đi tìm giải pháp tài chính.
Thật đáng tiếc là với quá nhiều ý kiến lên án, những tiêu chí hết sức quan trọng như vậy trong hoạt động đấu giá đến thời điểm này mới được gợi ra, bàn đến.
Nguồn: https://m.facebook.com/vtc1moneyon/videos/620230969253866/?extid=NS-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C&ref=sharing