Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án trong lĩnh vực thương mại

Việc giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án trong lĩnh vực thương mại được quy định tại Chương XXXIII Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), từ Điều 416 đến Điều 419 của Bộ luật này. Thỏa thuận hòa giải thành được công nhận có hiệu lực thi như bản án của Tòa án (Khoản 9 Điều 419 BLTTDS 2015). Việc không công nhận kết quả hòa giải thành không làm ảnh hưởng đến nội dung và giá trị của thỏa thuận giải quyết tranh chấp và nó vẫn có hiệu lực bắt buộc thi hành như một hợp đồng (Khoản 6 Điều 419 BLTTDS 2015).

Việc chấp nhận và tiến hành hòa giải phụ thuộc vào chất lượng của người cung cấp dịch vụ và đạo đức của hòa giải viên cũng như sự ủng hộ của Tòa án đối với việc công nhận và thi hành kết quả hòa giải thành. Các bên lựa chọn sử dụng hòa giải nếu họ tin rằng đó là cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, có chất lượng cao và mang lại kết quả có thể thi hành được. Vì vậy, sự ủng hộ của Tòa án đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cơ chế hòa giải.

Chất lượng của thủ tục hòa giải được bảo đảm bằng hàng loạt các nguyên tắc định hướng và đạo đức. Tất cả các hòa giải viên, bất kể cách tiếp cận và cách làm việc của họ như thế nào, đều phải đảm bảo chất lượng của thủ tục đó cũng như trau dồi và duy trì trình độ chuyên môn cần thiết để tiến hành các phiên hòa giải có hiệu quả. Đạo đức trong hòa giải ở đây muốn nói rằng quy trình do hòa giải viên tiến hành phải dựa trên cơ sở sự tự quyết của các bên, sự cam kết của các bên về thiện chí và tính minh bạch, kỳ vọng của các bên về tính bảo mật của quy trình cũng như tính công bằng của thủ tục. Xét thấy rằng việc hòa giải là tự nguyện và thúc đẩy quyền tự quyết của các bên, cho nên nó được ghi nhận về mặt nguyên tắc là cách làm tốt để hỗ trợ cho việc thực thi các thỏa thuận hòa giải thành. Hướng tiếp cận này khuyến khích sự hợp tác và minh bạch giữa các bên và phòng ngừa những cuộc thương lượng thiếu thiện chí. Thông điệp của Tòa án ủng hộ việc công nhận cũng phù hợp với nguyên tắc pháp lý về tự do thỏa thuận của các chủ thể đã được quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật dân sự tại Khoản 2 Điều 3 Bộ Luật dân sự 2015.

Do đó, cần ưu tiên hạn chế việc xem xét lại nội dung và những ràng buộc của thỏa thuận giải hòa giải thành và tăng cường năng lực giao kết hợp đồng của các bên cũng như bảo vệ quyền của người thứ ba. Việc giải thích theo nghĩa hẹp Đ. 419(3)-(4) về ý kiến đưa ra tại các phiên họp dường như phù hợp hơn với nguyên tắc cơ bản về quyền tự do thỏa thuận hợp đồng trong luật dân sự.

Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành (Từ Điều 416 đến Điều 419 BLTTDS 2015)

Thỏa thuận hòa giải thành sẽ được Tòa án công nhận để thực thi như bản án của Tòa án trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của một hoặc các bên tham gia thỏa thuận đó.

Người yêu cầu phải gửi đơn yêu cầu có chứa các nội dung sau (Điều 418 BLTTDS 2015)

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
  • Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
  • Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ nếu người yêu cầu là cá nhân, chữ ký của người đại diện hợp pháp và dấu nếu người nộp đơn là cơ quan, tổ chức trong phần cuối đơn. Trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
  • Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải;
  • Nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận.

Thỏa thuận hòa giải ngoài tòa án được yêu cầu công nhận phải được gửi kèm với đơn yêu cầu.

Thủ tục xem xét yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải ngoài tòa án

Đơn yêu cầu sẽ được chấp nhận nếu tuân thủ các yêu cầu nêu trên. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án chỉ định một Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu (Khoản 1 Điều 363 BLTTDS 2015).

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ việc và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu (Khoản 1 Điều 365 BLTTDS 2015).

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu (15 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu), Thẩm phán được phân công xét đơn có thể (i) yêu cầu đương sự tham gia hòa giải và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến về yêu cầu của người nộp đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành hoặc/và làm rõ nội dung yêu cầu; và/hoặc (ii) yêu cầu các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền tiến hành hòa giải cung cấp cho Tòa án các tài liệu làm cơ sở cho việc xem xét đơn yêu cầu của đương sự liên quan (Khoản 3 Điều 419 BLTTDS 2015). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không được can thiệp vào nội dung của thỏa thuận hòa giải thành. Yêu cầu làm rõ nội dung (nếu có) chỉ tập trung vào việc xem xét xem nội dung của thỏa thuận hòa giải thành này có hoàn toàn tự nguyện hay không, có trái pháp luật không, có trái đạo đức xã hội không hay có trốn tránh nghĩa vụ đối với nhà nước hoặc bên thứ ba không. Ngoài ra, yêu cầu bổ sung giấy tờ hoặc tài liệu liên quan đến việc hòa giải cần hạn chế để đảm bảo tính bảo mật của hòa giải.

Hết thời hạn chuẩn bị xét đơn (15 ngày), Tòa án ban hành quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Phiên họp phải được mở trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Thỏa thuận hòa giải thành sẽ được công nhận nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 417 BLTTDS 2015 và được nêu ở dưới đây (Khoản 5 Điều 419 BLTTDS 2015):

  • Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
  • Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
  • Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
  • Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Tòa án có thể từ chối công nhận nếu các điều kiện này không được thỏa mãn đầy đủ.

Quyết định công nhận thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án phải có các nội dung sau (Điều 370 BLTTDS 2015):

  • Ngày, tháng, năm ra quyết định;
  • Tên Tòa án ra quyết định;
  • Họ, tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;
  • Tên, địa chỉ của người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành;
  • Yêu cầu cụ thể của người làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu;
  • Căn cứ pháp luật để giải quyết đơn yêu cầu;
  • Quyết định của Tòa án;
  • Lệ phí phải nộp.

Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành có hiệu lực ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Thi hành thỏa thuận hòa giải thành đã được công nhận

Thỏa thuận hòa giải thành được công nhận sẽ được thi hành như bản án của Tòa án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (Khoản 9 Điều 419 BLTTDS 2015).

Việc không công nhận thỏa thuận hòa giải thành không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của nó. Thỏa thuận vẫn có hiệu lực ràng buộc đối với các bên tham gia thỏa thuận (Khoản 9 Điều 419 BLTTDS 2015).

Link bài viết tham khảo: https://www.vmc.org.vn/thu-tuc-hoa-giai/giai-quyet-tranh-chap-bang-hoa-giai